“Hội nghị hôm nay nhằm thảo luận và đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc. Hy vọng, qua hội nghị, chúng ta sẽ được nghe nhiều ý kiến quý báu”, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT bày tỏ. Vậy các cơ quan quản lý kể cả Việt Nam và Trung Quốc đã nói gì?
Vướng mắc “mang tên” Logistics
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ ngày 19/1/2023, ga Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đã được Bộ GTVT cho phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Đây là điều được cho là sẽ giảm tải cho ga Gia Lâm, cũng như giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.
Trong gần 3 năm xảy ra dịch Covid-19, tỉnh Lạng Sơn đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cửa khẩu; tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Nhờ vậy, năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 3,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 940 triệu USD; xuất khẩu nông sản đạt 1,7 triệu tấn, với tổng trị giá khoảng 705 triệu USD. Hiện Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 05 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng.
“Tỉnh cố gắng minh bạch hóa các quy trình, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, an toàn và bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh”, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nói.
Do đó, đại diện tập đoàn Trung Quốc đề xuất xây dựng kho ngoại quan ở cả Việt Nam và Trung Quốc, nâng cấp quy trình đóng gói, lưu kho để nâng cao năng lực xuất nhập khẩu.
“Doanh nghiệp Quảng Tây tỏ ra rất hào hứng tham gia Hội nghị hôm nay. Tỉnh này cũng vừa có một số lãnh đạo mới, họ cũng rất quan tâm đến nông sản Việt Nam”, ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc cho biết. Ông Trung khẳng định Quảng Tây vẫn sẽ là trọng điểm trong xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc với nền tảng hạ tầng tốt và đang tiếp tục được đầu tư, phát triển.
Năm 2022, tại Quảng Tây, giá trị nhập khẩu nông sản Việt Nam chỉ giảm khoảng 0,2% so với năm trước đó, song năm nay được kỳ vọng sẽ bật lên mạnh mẽ. Tổng lãnh sự quán cho biết Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương cùng Lạng Sơn đã làm rất tốt trong thời gian dịch bệnh. “Trong suốt thời gian dịch bệnh, hầu như chỉ có cửa khẩu Hữu Nghị là thông quan không ngừng. Đây là điểm sáng trong thương mại hai nước”.
Nhận định “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đang có giữa tỉnh Quảng Tây cùng các địa phương có biên giới với tỉnh này của Việt Nam, ông Trung bày tỏ đây sẽ là điểm cầu nối giữa nông dân và người tiêu dùng. Tổng lãnh sự cho biết sẽ tiếp tục liên lạc chặt chẽ, phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.
“Năm ngoái, chúng tôi đã ký kết hợp đồng với đối tác Việt Nam, thu mua hơn 2.000 container. Đây là hợp đồng thường niên, năm nào chúng tôi cũng mua số lượng đó với các mặt hàng như sầu riêng, mít, chanh leo, xoài, khoai lang tím”, ông Ngô Tuấn Dật, Tổng Giám đốc mảng trái cây Đông Nam Á, Công ty quản lý chuỗi cung ứng thương mại quốc tế Sunwah (Quảng Đông), cho biết.
Ông Ngô kỳ vọng thông qua các diễn đàn, hội nghị do Bộ NN-PTNT tổ chức để có cơ hội gặp được nhiều doanh nghiệp tiềm năng ở Việt Nam. “Chúng tôi có cả các kênh bán hàng trực tuyến, kênh bán trực tiếp tại các siêu thị, chợ. Trên nền tảng mạng xã hội Douyin (tương tự Tiktok ở Việt Nam), chúng tôi cũng có kênh bán hàng. Hiện chúng tôi là đối tác chiến lược của Douyin”. Đại diện Sunwah cho biết dự kiến năm 2023 sẽ tăng lượng mua nông sản Việt Nam, từ 2.000 lên 2.500 container”.
Nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT đã nêu một số thay đổi của thị trường này như: Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); Yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; Quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư; Yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương cho biết.
Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định “Không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững, và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này”, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi nói.
Ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phụ trách vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đề nghị các doanh nghiệp hai nước có thể vào trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xem xét cụ thể loại nông sản, thủy sản nào cần đăng ký để xuất khẩu chính ngạch, loại nào cần có đảm bảo của doanh nghiệp Trung Quốc, thông qua kênh chính thức.
Như vậy, vấn đề Logistics xanh được đặt ra. Theo ông Lỗ, Lệnh 248 và 249 dựa trên các quy định trước đó của Trung Quốc, hoàn toàn không phải “chuyện bất ngờ”, chú trọng vào vệ sinh an toàn thực phẩm, quy rõ trách nhiệm của từng khâu…
Thúc đẩy hình thành “chuỗi cung ứng số”
Đại diện Tập đoàn công nghệ Cảng thông tin Trung Quốc – ASEAN cho biết đang tập trung mở rộng “con đường tơ lụa số” để hỗ trợ ngành hàng điện tử, công ty khởi nghiệp cần công nghệ cao và một số nhóm ngành hàng liên quan. Ông chia sẻ thông tin về nông sản đang còn thiếu, cự ly vận chuyển hàng hóa lớn, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật số về logistics, năng lực quản lý và kiểm soát hàng hóa còn yếu, đặc biệt là thiếu kho hàng lớn ở nước ngoài.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả cho biết, Trung Quốc tiến tới tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Thông qua Hiệp định RCEP, doanh nghiệp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân.
Khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, theo ông Nguyên, là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.
Một vấn đề nữa được ông Nguyên nêu là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói còn lâu. Ông lấy ví dụ như thanh long cần khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng. Ông đề nghị các cơ quan quản lý quan tâm hơn nữa đến mặt hàng rau quả, để sản phẩm này nâng cao giá trị hơn nữa trong tương lai.
“Chúng tôi kiến nghị phía Việt Nam tạo điều kiện cho hoạt động thu mua online, tìm cách giảm bớt hơn nữa thời gian thông quan. Doanh nghiệp hai bên cũng cần bàn bạc, đàm phán kỹ để thông quan thuận lợi”, ông Vương Chính Ba, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây, nêu ý kiến.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, tình hình xuất khẩu vẫn gặp một số vướng mắc như: số lượng sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự.
Ngoài ra, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử.
Ông Thiệu cũng chỉ ra khó khăn về cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu, các dịch vụ logistics nói chung và Lạng Sơn nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số quy định về phương thức giao nhận hàng hóa với Trung Quốc như cắt nối moóc, xét nghiệm Covid-19… còn ảnh hưởng đến năng lực, chi phí thông quan./.
* Như tin đã đưa, sáng 14/2, tại Lạng Sơn đã diễn ra “Hội nghị thúc đẩy giao thương nông, thủy sản Việt Nam Trung quốc trong bối cảnh mới“, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự có ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn. Cùng dự có bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Lạng Sơn; ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND Lai Châu. Ngoài ra là đại diện 16 Sở NN-PTNT của các tỉnh trên cả nước. Tại điểm cầu Trung Quốc có: Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Hiệp hội Xúc tiến sản phẩm nông sản Bằng Tường – ASEAN, Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây, Hiệp hội hương liệu Quảng Tây, Trung tâm triển lãm sản phẩm Trung Quốc – ASEAN và các cơ quan, tổ chức liên quan.
* Ngoài mặt hàng gạo, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%. Đặc biệt, với sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất (tỷ trọng 91,47%); Cao su chiếm tỷ trọng 71,91%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Nguồn: https://vlr.vn/